Sự nghiệp Yên_Lang

Đầu đời

Nguyễn Ngọc Thanh sinh năm 1940 tại Giồng Me, Cầu Kè, Bạc Liêu,[4][6][8][9] nay thuộc Phường 2, thành phố Bạc Liêu, Bạc Liêu, Việt Nam.[3] Năm 1955, ông rời quê lên Sài Gòn.[9][19] Khi đang học tại Trường Trung học Tân Thịnh ở Sài Gòn,[29] ông đã gặp nhà thơ Hoài Ngọc và ký giả Phong Vân, những người được cho là đã khuyến khích ông dấn thân vào công việc sáng tác cải lương sau này,[4][5] dù ông từng rất đam mê thơ văn[1][7][29] và từng mong muốn trở thành một nhà thơ.[10] Theo báo điện tử tỉnh Bạc Liêu thì ông từng tham gia làng văn nghệ Sài Gòn với tư cách là một người làm thơ.[3] Với bút danh Huyền Thanh Huyền, Yên Lang đã từng viết văn, làm thơ cho tuần báo Tầm Nguyên và báo Nhân Loại.[6]

Theo một số nguồn, khi học trung học, Yên Lang đã sáng tác vở kịch nói Đường lên ải Bắc trong niên học đầu tiên, khiến ông được chọn làm học sinh giỏi và đã được tham dự trại hè Đà Lạt cùng với hai học sinh khác.[8]

Sáng tác cải lương

Năm 1960, vở tuồng đầu tiên của ông viết chung với soạn giả Nguyễn Liêu mang tên Nắng chiều lên cổ tháp ra đời và được dàn dựng bởi đoàn Song Kiều.[4] Vở thứ hai của ông là vở Bếp lửa chiều ly biệt do đoàn Bạch Vân dàn dựng, cũng viết chung với Nguyễn Liêu.[7][8] Vở thứ ba của ông là vở Đường về quê ngoại do ông tự sáng tác, được đoàn Song Kiều biểu diễn, đã gây ra tiếng vang lớn.[6] Yên Lang cho rằng ông đã bắt đầu sự nghiệp từ năm 1960.[30]

Năm 1963, khi bị tuồng cải lương Đường về quê ngoại cuốn hút, ông bầu Long của đoàn Kim Chung đã chú ý đến Yên Lang và đã hẹn gặp ông tại văn phòng Kim Chung ở Sài Gòn để bàn việc cộng tác khi hai đoàn hát đang cùng diễn tại Tuy Hòa, Phú Yên, đoàn Kim Chung hát ở rạp Diên Hồng và đoàn Song Kiều, tức đoàn Yên Lang đang làm việc, lúc đó hát ở rạp Nhạn Tháp. Tháng 6 năm 1963 đoàn Song Kiều về hát tại rạp Biên Hùng, Biên Hòa, Yên Lang trở về Sài Gòn thăm cô mình và đã đến văn phòng Kim Chung để gặp ông bầu Long, tại đây Yên Lang được ông bầu thuyết phục và đã đồng ý làm soạn giả thường trực của đoàn. Chỉ sau đó vài tháng thì đoàn Song Kiều tan rã.[17] Tuồng Đường về quê ngoại được ông đổi thành Manh áo quê nghèo sau khi làm soạn giả thường trực cho đoàn cải lương Kim Chung,[6] và vở tuồng này đã được khán giả yêu cầu đoàn Kim Chung diễn lại nhiều lần.[7] Đây cũng là kịch bản cải lương đầu tiên của ông được diễn trên sân khấu Kim Chung và đã được trình diễn liên tục trong một tháng tại rạp Olympic ở đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn.[17] Yên Lang đã là soạn giả thường trực cho đoàn Kim Chung từ năm 1963 đến cuối tháng 4 năm 1975.[7]

Năm 1963[5][10] ông bắt đầu nổi tiếng[7] với những tuồng cải lương thuộc thể loại "kiếm hiệp kỳ tình", là thể loại rất được yêu thích tại Việt Nam trong những năm 1960, 1970.[13] Ông từng là soạn giả của các đoàn Song Kiều, Bạch Vân, Việt Nam Minh Vương, Kim Chung,[26] Dạ Lý Hương, Việt Nam, Du Sĩ Ca Quốc Trầm...[25] và lâu nhất là với đoàn Kim Chung.[6] Nhiều nghệ sĩ cải lương đã nổi tiếng vì những vở tuồng của ông.[1][5][13][19]

Ngoài sáng tác, ông còn đào tạo cho nhiều người khác, như Nguyên Thảo (tác giả của Kiếp nào có yêu nhau, em ông) và Lam Tuyền (đã chuyển thể Lá sầu riêng, con trai ông).[9][13][19] Theo báo điện tử Bạc Liêu, Yên Lang còn là một nhà thơ.[21]

Về sau ông vẫn còn sáng tác, thường là các bài ca cổ về Bạc Liêu,[1][10][13][19] theo RFA (2013) thì Yên Lang không còn viết tuồng.[15]

Đề nghị nâng tiền bản quyền

Trong những năm 1960 tại miền Nam, do ảnh hưởng từ nhiều mặt như chính trị, kinh tế,... các đoàn hát trở nên ế ẩm, khiến một số đoàn cải lương phải tự giải thể, gây ảnh hưởng đến các nghệ sĩ và soạn giả, tiền bản quyền thu nhập của các soạn giả cũng giảm mạnh, đương thời, theo thông lệ soạn giả thường chỉ nhận tiền bản quyền khoảng 5% doanh thu của mỗi suất hát cho 50 suất hát đầu, từ suất hát thứ 51 trở đi chỉ còn lại 4%. Yên Lang đã vận động một số soạn giả họp mặt để bàn về vấn đề này cạnh rạp Quốc Thanh, gồm có các soạn giả như Mộc Linh, Hà Triều, Hoa Phượng, Tuấn Khanh, Hoàng Khâm, Ngọc Điệp, Loan Thảo, Yên Ba cùng hai ký giả kịch trường là Hoài Ngọc và Phong Vân, đã nhất trí yêu cầu nâng tiền bản quyền lên 6% doanh thu của mỗi suất hát và không giới hạn thời gian hay số lượng suất hát, nhiều cuộc họp khác với một số nghệ sĩ tại trụ sở Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế ở Sài Gòn cũng được tổ chức và kéo dài gần một năm rồi mới chấm dứt. Đề nghị nâng tiền bản quyền thành công và từ đó trở đi mỗi soạn giả được hưởng 6% doanh thu của mỗi xuất hát.[8]

Tại Hoa Kỳ

Vốn là sĩ quan trong ngành Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa,[31] sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, Yên Lang đã bị đưa đi cải tạo trong 6 năm, năm 1995[8] cả gia đình ông đến định cư ở Hoa Kỳ diện HO,[6][15] theo báo Thanh Niên thì ông phải xuất ngoại "vì manh áo chén cơm".[9] Ban đầu ông định cư ở Atlanta, Georgia, sau lại chuyển về San Diego, California. Khi được Tường Dũ, Tô Kiều Phương, Nhật Hồng... khuyến khích, ông cùng với vợ đã chuyển về sống tại Sài Gòn Nhỏ.[7]

Theo RFA tiếng Việt, Hội Cổ nhạc miền Nam Việt Nam hải ngoại năm 2004 đã mời Yên Lang và vợ ông, Kiều Oanh tham gia làm ban giám khảo. Kiều Oanh đã chấm thi sơ khảo ở San Jose còn Yên Lang thì chấm chung kết ở San Diego.[15] Tại hải ngoại, ông được đánh giá là "viên ngọc quý của ngành cổ nhạc cải lương" và là "một trong những soạn giả nổi tiếng nhất, đóng góp nhiều nhất cho nền cổ nhạc hải ngoại".[32]

Do ruột bị biến chứng và suy thận, Yên Lang đã qua đời tại Bệnh viện Garden Grove (California) vào lúc 8 giờ 55 phút ngày 5 tháng 6 năm 2017, sau một thời gian hôn mê sâu. Việc ông qua đời đã được nhiều tờ báo đăng tải.[11][29][32] Tang lễ của ông được tổ chức vào ngày 16[31] (có nguồn cho là ngày 14)[33] tháng 6 năm 2017 tại nhà quàn Peek Funeral Home, khu Bolsa, thành phố Wesminster, California rồi hỏa táng.[31]